Biến chủng Delta chiếm chủ đạo trong đợt dịch này: 100% tại TP.HCM và chủ yếu tại Bắc Giang, Bắc Ninh…, với các đặc điểm: tăng 175% khả năng bám dính vào niêm mạc đường hô hấp so với chủng gốc, phát tán mầm bệnh ra môi trường nhanh.

Bên cạnh đó, virus nhân lên nhanh, trong 48 giờ gia tăng lượng virus trong dịch đường hô hấp cao hơn 1.260 lần so với chủng cũ, chu kỳ lây nhiễm nhanh, trong 2-3 ngày đã có khả năng lây cho người khác, cá biệt có trường hợp chỉ 1 ngày đã lây lan. Bộ Y tế vừa có báo cáo cho hay.

Báo cáo này cũng cho biết tần suất lây nhiễm mỗi F0 lây cho 5-10 người, trong khi chủng cũ tỉ lệ là 1 F0 lây 2,2 người. Tỉ lệ bệnh nặng cao hơn 234%, tỉ lệ tử vong cao hơn 132% so với chủng cũ.

Bộ Y tế cũng cho biết đến sáng 3-11, cả nước đã tiêm được trên 84 triệu mũi vắc xin, trong đó có 24 triệu người tiêm đủ 2 mũi, tỉ lệ tiêm chủng đạt trên 80% người từ 18 tuổi đã tiêm 1 liều vắc xin, 34% tiêm đủ 2 mũi. Có 10 tỉnh thành đạt độ phủ vắc xin trên 95% người từ 18 tuổi, 9 tỉnh thành đạt trên 50% người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ 2 mũi.

TP.HCM: Đã tiêm mũi 1 vắc xin COVID-19 cho 580.000 trẻ 12-17 tuổi

Hôm nay (3-11) là ngày tiêm vét cuối cùng theo kế hoạch tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi.

Đến hết ngày 2-11, TP.HCM đã tiêm vắc xin COVID-19 cho hơn 580.000 trẻ từ 12-17 tuổi. Dự kiến, TP sẽ tiêm cho các em theo đúng kế hoạch.

Ngày 2-11, TP.HCM là một trong những địa phương có số ca COVID-19 giảm nhiều nhất so với ngày trước đó (giảm 245 ca), số mắc ở mức thấp nhất trong 3 tháng qua.

“TP.HCM đã cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19, nhưng nguy cơ dịch bệnh vẫn luôn tiềm ẩn và có thể bùng phát nếu lơ là” – HCDC nhận định.

HCDC khuyên mỗi người dân cần tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch sau khi đã tiêm đủ 2 liều vắc xin, đảm bảo an toàn sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội.

Sở Y tế TP.HCM tiếp tục kêu gọi các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa của TP chi viện, hỗ trợ cho các tỉnh bạn nhanh chóng khống chế dịch bệnh COVID-19.

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương vừa đến tỉnh Bạc Liêu và trực tiếp tham gia công tác thu dung điều trị tại Trung tâm Y tế thị xã Giá Rai.

Tiêm vắc xin Pfizer cho học sinh tại Trường THCS Hà Huy Tập, quận Bình Thạnh, TP.HCM chiều 29-10 – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Số mắc COVID-19 mới đã tiêm vắc xin hầu hết không có triệu chứng

Ngày 2-11 Hà Nội ghi nhận 62 ca mắc mới, là số mắc cao nhất kể từ khi nới lỏng giãn cách cho đến nay. Tuy nhiên, các tỉnh thành có ổ dịch mới như Phú Thọ 54 ca, Nam Định 8 ca, Bắc Giang 17 ca… là thấp hơn những ngày trước đó.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, tình hình dịch bệnh trên địa bàn đang trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, từ ngày 11-10 đến nay, số mắc trung bình trong ngày tăng mạnh so với thời gian thực hiện “bình thường mới” từ 21-9 đến 10-10 (bình quân 21 ca/ngày so với 5-7 ca giai đoạn trước đó), liên tục xảy ra các chuỗi lây nhiễm phức tạp liên quan tới việc tập trung đông người.

Đặc biệt, từ ngày 28-10 đến 2-11, số ca F0 tăng cao, từ 33-62 ca/ngày, dịch xâm nhập từ các tỉnh, thành phố có dịch diễn biến phức tạp tiếp tục là nguy cơ cao, kết hợp với việc nới lỏng biện pháp phòng, chống dịch theo tinh thần thích ứng, linh hoạt.

Dự báo, trong thời gian tới Hà Nội tiếp tục ghi nhận các chuỗi lây nhiễm phức tạp và có nguy cơ rất cao nếu không được quản lý chặt chẽ, có biện pháp hành chính phù hợp kèm theo.

Hà Nội có 6 chùm ca mắc COVID-19 mới phát sinh, trong đó 2 chùm ca tại Sài Sơn (huyện Quốc Oai) và tại thôn Bạch Trữ (huyện Mê Linh) đều liên quan đến việc tụ tập đông người (đám ma, đám cưới)… Các chùm ca phần lớn đều có nhiều người trong gia đình cùng mắc. Ngoài ra, đa phần ca mắc đều đã được tiêm vắc xin và hầu hết đều không có triệu chứng.

Nhân viên y tế tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho trẻ em tại Bangkok, Thái Lan, ngày 19-10-2021 – Ảnh: THX/ TTXVN

Đông Âu dịch phức tạp, Romania, Bulgaria có tỉ lệ tiêm chủng thấp nhất châu Âu

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 2-11 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 248.013.615 ca COVID-19, trong đó có 5.024.173 người không qua khỏi. Số bệnh nhân bình phục là 224.686.131 người.

Châu Á là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với 79.498.823 ca, tiếp đến là châu Âu với 64.828.439 ca và Bắc Mỹ ghi nhận 56.364.670 ca.

Tình hình dịch bệnh tại khu vực Đông Âu diễn biến phức tạp với số ca tử vong tăng mạnh trong khi tỉ lệ tiêm chủng chưa cao. Ngày 2-11, Nga có thêm 1.178 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua, 39.008 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca mắc lên 8.593.200 ca.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Matxcơva, Nga, ngày 20-10-2021 – Ảnh: AFP/ TTXVN

Lào, Campuchia chấp nhận mở cửa lại, sống chung với COVID-19

Một số quốc gia châu Á đang lên kế hoạch mở cửa trở lại trong lộ trình sống chung với COVID-19. Tại Lào, mặc dù số ca mắc COVID-19 tiếp tục tăng, chính phủ đã lên kế hoạch mở cửa trở lại, đồng thời kêu gọi người dân thích ứng với tình hình mới. Ngày 2-11, nước này ghi nhận 873 ca mới và 3 ca tử vong. Tổng số ca COVID-19 tại Lào là 41.829 ca, trong đó có 70 người tử vong.

Campuchia quyết định mở cửa trở lại tất cả các lĩnh vực từ tháng 11 dựa vào tỉ lệ tiêm phòng COVID-19 cao, khả năng chống dịch được tăng cường với thuốc điều trị COVID-19 sẵn sàng; kinh nghiệm của chính phủ và người dân đủ nhận thức để có thể tự bảo vệ cũng như học cách sống chung với COVID-19.

Người dân Úc đeo khẩu trang đi dạo ở Sydney ngày 11-10 – Ảnh: TTXVN

Từ ngày 8-11 tới, Sydney, thủ phủ của bang New South Wales và là thành phố lớn nhất của Úc, sẽ nới lỏng thêm các biện pháp hạn chế đối với người đã tiêm vắc xin COVID-19, sớm hơn vài tuần so với kế hoạch.

Hiện khoảng 88% dân số từ 16 tuổi trở lên ở bang này đã hoàn thành tiêm chủng. Tuy nhiên, tốc độ tiêm mũi vắc xin đầu tiên chậm khi chỉ đạt tỉ lệ gần 94%.

Nguồn:

https://tuoitre.vn/tin-sang-3-11-chung-delta-chiem-100-tai-tp-hcm-ti-le-benh-nang-cao-hon-234-chung-cu-20211103064855276.htm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *