Các bệnh phổi mạn tính là các bệnh về đường thở và các cấu trúc khác của phổi. Tương tự như các bệnh lý mạn tính ở những cơ quan khác, bệnh mạn tính ở phổi không thể điều trị khỏi hoàn toàn. Vậy thì đó là những bệnh lý nào? Triệu chứng nhận biết sớm và cách phòng bệnh ra sao? Tất cả những thông tin này sẽ được trình bày qua bài viết sau đây.
1. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Đây là một trong những bệnh phổi mạn tính phổ biến nhất hiện nay. Bệnh này có tên tiếng Anh là Chronic Obstructive Pulmonary Disease (viết tắt là COPD). Trong bệnh lý này, phổi của người bệnh sẽ bị viêm mạn tính, làm cho việc thở trở nên khó khăn hơn. Tình trạng viêm dẫn đến sản xuất chất nhầy với số lượng nhiều và làm cho lớp niêm mạc phổi của người bệnh dày lên. Các phế nang sẽ hoạt động kém hiệu quả trong vai trò trao đổi khí của cơ thể.
1.1. Những người bị COPD thường có một hoặc cả hai tình trạng bất thường sau:
- Khí phế thũng: Bệnh lý này là sử hỏng của các phế nang. Bình thường, các phế nang hoạt động mạnh mẽ và linh động với môi trường trong và ngoài cơ thể. Khí phế thũng làm suy yếu những phế nang ấy và hậu quả là một số lượng nhất định phế nang bị vỡ.
- Viêm phế quản mạn tính: Viêm phế quản mạn tính là tình trạng viêm lâu dài của đường dẫn khí lớn trong phổi. Tình trạng này làm chất nhờn trong đường dẫn khí tăng tiết liên tục và nhiều hơn.
Các triệu chứng của bệnh lý khí phế thũng bao gồm:
- Khó thở
- Thở khò khè
- Cảm giác không thể tiếp nhận đầy đủ không khí vào phổi
1.2. Các triệu chứng của viêm phế quản mạn tính bao gồm:
- Ho thường xuyên, thông thường là ho có đàm.
- Khó thở
- Đau tức ngực
1.3. Một số dấu hiệu nhận biết sớm
Các triệu chứng phổ biến của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính bao gồm: khó thở khi nghỉ ngơi hoặc khi hoạt động thể lực, ho, khò khè, mệt mỏi, đường thở tiết ra chất nhầy kéo dài. Ngoài ra, một số yếu tố nguy cơ gợi ý chẩn đoán bệnh COPD bao gồm: Hút thuốc lá, tiếp xúc với môi trường không khí ô nhiễm, tiếp xúc thường xuyên với khói bụi,…
1.4. Cách phòng ngừa
Biện pháp tốt nhất để phòng ngừa bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là không nên hút thuốc lá. Và nếu bạn hút thuốc, hãy từ bỏ thói quen này sớm nhất có thể. Thảo luận với bác sĩ chuyên khoa về các biện pháp cũng như sản phẩm có thể giúp bạn từ bỏ thuốc lá.
Bên cạnh đó, hãy tránh xa việc hít phải khói thuốc lá của người khác hút, hay còn gọi là hút thuốc lá thụ động. Mặt khác, khi làm việc hoặc tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, có nhiều khói bụi, nên mang khẩu trang hoặc dụng cụ bảo hộ lao động.
Tìm hiểu về top 4 loại thực phẩm cần tránh cho phổi được tốt
2. Bệnh hen suyễn
2.1. Các triệu chứng giúp nhận biết sớm bệnh
Hen suyễn hay hen phế quản là một trong những loại bệnh phổi mạn tính phổ biến nhất hiện nay. Khi bị kích thích bởi một tác nhân nào đó, phổi của bạn sẽ bị viêm và đường thở sẽ hẹp lại, khiến bạn trở nên khó thở hơn. Các triệu chứng điển hình bao gồm:
- Thở khò khè
- Không thể hít thở đủ không khí
- Ho khan
- Cảm thấy nặng hoặc tức ngực
Các yếu tố kích thích khiến người bệnh xuất hiện những triệu chứng này bao gồm: Chất gây dị ứng, khói bụi, không khí ô nhiễm, căng thẳng, phấn hoa, tập thể dục, xúc động,…
2.2. Cách phòng bệnh
Mặc dù không có biện pháp nào để ngăn ngừa bệnh hen suyễn, người bệnh và bác sĩ chuyên khoa vẫn có thể lập ra một kế hoạch từng bước để ngăn ngừa các cơn hen suyễn. Bao gồm:
- Tiêm vắc xin phòng bệnh cúm và viêm phổi.
- Xác định và hạn chế tiếp xúc với các tác nhân làm khởi phát cơn hen. Chẳng hạn như: Phấn hoa, nấm mốc, không khí lạnh, khói bụi,…
- Theo dõi nhịp thở thường xuyên. Mục đích là để nhận biết các dấu hiệu cảnh báo về một cơn hen sắp xảy ra để sử dụng thuốc kịp thời.
- Uống thuốc theo toa của bác sĩ chỉ định.
3. Bệnh viêm phổi kẽ
3.1. Những dấu hiệu nhận biết sớm
Một số bệnh phổi khác nhau phù hợp với thuật ngữ bệnh lý chung là “bệnh phổi kẽ”. Một vài bệnh điển hình như:
- Bệnh sarcoidosis
- Xơ phổi vô căn (IPF)
- Tế bào Langerhans tự bào mòn
- Viêm tiểu phế quản tắc nghẽn
Đặc điểm chung của các bệnh lý này” Các mô trong phổi bị sẹo, viêm và xơ hóa. Mô sẹo phát triển ở các kẽ của phổi – khoảng trống giữa các phế nang trong phổi.
Các triệu chứng giúp nhận biết sớm bệnh bao gồm:
- Ho khan
- Khó thở
- Nặng ngực
3.2. Cách phòng bệnh
Hiện nay, các bác sĩ chuyên khoa vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân chính xác gây ra bệnh phổi kẽ. Chính vì vậy, một số biện pháp phòng bệnh cơ bản đối với bệnh lý này bao gồm:
- Hạn chế tiếp xúc với môi trường không khí ô nhiễm.
- Tiêm ngừa cúm và các bệnh lý về hô hấp.
- Tuân thủ điều trị các bệnh lý tự miễn bao gồm: Lupus ban đỏ hệ thống, xơ cứng bì, thấp tim,…
- Điều trị tốt và triệt để các bệnh lý hô hấp như: Viêm phổi, viêm phế quản, lao phổi,…
- Không hút thuốc lá.
4. Ung thư phổi
4.1. Triệu chứng giúp nhận biết sớm bệnh
Ung thư phổi là một trong những bệnh lý ung thư gây tử vong hàng đầu ở Hoa Kỳ cũng như trên thế giới. Nam giới có tần suất mắc bệnh cao hơn nữ giới, có thể liên quan đến thói quen hút thuốc lá.
Một số dấu hiệu điển hình gợi ý bệnh ung thư phổi bao gồm:
- Sự xuất hiện của những cơn ho mới, kéo dài dai dẳng,
- Khó thở.
- Ho ra máu.
- Đau ngực, nặng ngực.
- Khò khè, khàn giọng.
- Ngoài ra, một vài triệu chứng khác gợi ý bệnh ung thư phổi nhưng không điển hình, Chẳng hạn như: Sụt cân, mệt mỏi, chán ăn,…
4.2. Phòng bệnh ung thư phổi như thế nào?
Những biện pháp giúp hạn chế nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi bao gồm:
- Không hút thuốc lá, từ bỏ thói quen hút thuốc lá.
- Hạn chế tiếp xúc với môi trường không khí ô nhiễm.
- Duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ chất dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng của cơ thể với bệnh ung thư.
- Tập thể dục thường xuyên.
5. Một số bệnh phổi khác ít phổ biến hơn
Ngoài 4 bệnh phổi mạn tính rất phổ biến nói trên còn có một vài bệnh phổi mạn khác ít phổ biến hơn. Chẳng hạn như: Tăng áp phổi, tâm phế mạn, bệnh xơ nang,… Nói chung, những bệnh lý này có triệu chứng tương tự nhau. Bao gồm:
- Ho khan hoặc ho có đàm.
- Khó thở, thở khò khè.
- Cảm giác hít thở không đủ không khí.
- Đau ngực, nặng ngực.
Biện pháp phòng ngừa chung cho những bệnh lý này bao gồm:
- Bỏ thuốc lá. Tránh hít khói thuốc.
- Hạn chế tiếp xúc với các chất ô nhiễm trong môi trường, tại nhà và tại nơi làm việc.
- Tập luyện thể dục đều đặn.
- Duy trì các bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng.
- Khám sức khỏe định kỳ.
- Sử dụng khẩu trang y tế khi ở nơi công cộng để tránh khói thuốc lá thụ động
- Tiêm văc xin phòng cúm hàng năm.
- Rửa tay thường xuyên, hạn chế chạm tay vào mặt
Không nên tiếp xúc gần với những người có bệnh lý lây truyền qua đường hô hấp.
Qua bài viết này, hy vọng bạn đọc sẽ có thêm những kiến thức nhất định về các bệnh mạn tính ở phổi, cách nhận biết sớm bệnh cũng như những biện pháp phòng bệnh. Mục đích là bảo vệ hai lá phổi quý giá của bạn, duy trì sức khỏe tốt nhất.
Nguồn tham khảo:
“Chronic Obstructive Pulmonary Disease (COPD)”, ngày đăng: 28/04/2020
“Chronic Lung Diseases: Causes and Risk Factors”, ngày đăng: 28/04/2018
“Lung cancer”, ngày đăng: 23/03/2021
“Asthma”, ngày đăng: 11/04/2020